Vị
trí:
Vườn Quốc gia Hoàng Liên thuộc địa
phận thị trấn Sa Pa, các xã: San Sả
Hồ, Lao Chải, Tả Van, Bản Hồ, huyện
Sa Pa; một phần huyện Văn Bàn tỉnh
Lào Cai và hai xã Mường Khoa, Thân
Thuộc, huyện Than Uyên, tỉnh Lai
Châu.
Đặc điểm:
Đây là điểm du lịch sinh thái lý
tưởng và phù hợp với nghiên cứu khoa
học

Từ thị trấn Sa Pa, du khách đi qua
một đoạn dốc quanh co khoảng 20km,
du khách sẽ đến với đèo Ô Quy Hồ -
đèo Hoàng Liên, nơi đây thuộc địa
phận Vườn Quốc gia. Tiếp tục men
theo con đường mòn uốn lượn quanh
triền núi ở độ cao trên 1.000m so
với mặt nước biển, du khách sẽ bao
quát hết được phong cảnh núi rừng
nơi đây - một khu rừng với bạt ngàn
cây xanh được phủ bởi những dải nắng
vàng óng ánh đan xen vào nhau...
thấp thoáng trong đó là từng vạt hoa
đỗ quyên, hoa lan rừng, hoa mận...
như đang cùng nhau khoe sắc; phía xa
xa, những bản làng người dân tộc lấp
ló qua từng làn sương mỏng...
Vườn Quốc gia Hoàng Liên - một trong
những khu rừng đặc dụng quan trọng
của Việt Nam có tổng diện tích vùng
lõi 29.845 ha, bao gồm một hệ thống
núi cao thuộc dãy Hoàng Liên Sơn,
trong đó có đỉnh Phan Xi Păng cao
3.143m và diện tích vùng đệm là
38.724 ha, bao gồm thị trấn Sa Pa,
một số xã thuộc huyện Sa Pa, một
phần huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai và
2 xã thuộc huyện Than Uyên, tỉnh Lai
Châu.
Vườn Quốc gia Hoàng Liên chủ yếu là
rừng nguyên sinh với một thảm thực
vật rừng kín thường xanh á nhiệt đới
núi cao và một hệ động vật rừng
phong phú, đa dạng.
Về hệ thực vật rừng, nơi đây có
khoảng hơn 2.000 loài với các loại
cây gỗ điển hình như: tống quán sủ,
bồ đề, đỗ quyên, pơ-mu, mận rừng...,
trong đó có khoảng 66 loài ghi trong
sách đỏ Việt Nam như: bách xanh,
thiết sam, thông tre, thông đỏ, đinh
tùng, dẻ tùng..., 32 loài quý hiếm
như: Loài bách xanh phân bố tại vùng
núi đá vôi xã Bản Hồ (Sa Pa), loài
thông đỏ được tìm thấy tại xã Sa Pả
(Sa Pa), loài Vân Sam Hoàng Liên -
Sam lạnh) phân bố trong vùng lõi
vườn quốc gia (ba loài cây này là
những nguyên liệu chính dùng để
chiết xuất ra nhiều loại thuốc chữa
bệnh quý hiếm) và hàng trăm loài
thảo dược như: quy, thục, đỗ trọng,
hoàng liên chân chim, đỗ quyên, kim
giao... Ngoài ra, tại đây người ta
còn tìm thấy loài nấm cổ linh chi,
nứa Sa Pa - phân bố chủ yếu ở vùng
rừng núi cao của Trung Quốc và Việt
Nam.

Bên cạnh một hệ thực vật rừng phong
phú, hệ động vật rừng cũng rất đa
dạng với 66 loài thú, phổ biến là:
vượn đen tuyền, hồng hoàng, cheo
cheo, voọc bạc má..., trong đó có 16
loài nằm trong sách đỏ Việt Nam; 347
loài chim như đại bàng đốm to, trĩ
mào đỏ, chim hét mỏ vàng...; 41 loài
lưỡng cư và 61 loài bò sát, trong đó,
có loài ếch gai rất hiếm ở Việt nam
vừa mới được phát hiện.
Với hệ sinh thái rừng phong phú như
vậy,Vườn Quốc gia Hoàng Liên được
đánh giá là một trong những trung
tâm đa dạng sinh học bậc nhất nước
ta. Đặc biệt, nơi đây còn bảo tồn,
lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa truyền
thống của cộng đồng các dân tộc sống
trong vùng lõi và vùng đệm của Vườn
Quốc gia; đó là các hoạt động ca múa
nhạc của người Mông, Dao,Giáy với
những nhạc cụ như: khèn, sáo, kèn,
đàn mô; các kiến trúc nhà ở của
người dân tộc như: Người Mông ở trên
cao, nền nhà thường thấp hơn và kín
gió, nguyên liệu làm nhà chủ yếu
bằng gỗ, nhà của người Tày ở vùng
thấp nên thường là kiến trúc nhà sàn,
mái lợp bằng cỏ tranh hay rơm
rạ, ngày nay đã được
thay bằng ngói.
Đến
với Vườn Quốc gia Hoàng Liên, là du
khách đến với môi trường du lịch
sinh thái hấp dẫn. Tại đây; du khách
sẽ cảm nhận được khoảnh khắc giao
mùa xuân - hạ - thu - đông chỉ trong
vòng 1 tiếng đồng hồ; được thấy
những tia nắng xuyên qua từng tán lá
rậm rạp, xuyên qua những làn sương
mù chiếu xuống những thảm cỏ tranh
tươi tốt; được ngắm nhìn những khóm
trúc lùn đung đưa mỗi khi có những
cơn gió tràn qua... tất cả đều để
lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du
khách, nhưng có lẽ ấn tượng nhất vẫn
là cảm giác được ngủ lại qua đêm
trên lưng chừng núi để hòa mình vào
thiên nhiên hùng vĩ của dãy Hoàng
Liên Sơn, nghe tiếng suối chảy róc
rách, tiếng thác chảy ào ào... và
trong không gian bao la, rộng lớn
này, du khách thấy mình thật nhỏ bé.
Bên cạnh đó, du khách cũng có thể
tham gia chương
trình du lịch bản làng: đến và nghỉ
luôn tại nhà của người dân tộc, du
khách sẽ cùng chủ nhà làm những công
việc trong gia đình, buổi tối tập
trung tại nhà văn hóa cộng đồng để
giao lưu
văn hóa - văn nghệ. Du khách cũng có
thể cùng người dân nơi đây chơi các
môn thể thao truyền thống như:
đẩy gậy, bắn cung, kéo co, đi cà
kheo… hay đi tham quan bản làng, cối
giã gạo, các khu ruộng bậc thang,
các nương
chàm... của người dân tộc. Đặc biệt,
nơi đây còn diễn ra Giải leo núi
“Chinh phục đỉnh Phan Si Păng” với
qui mô cấp quốc gia cho các vận động
viên trong và ngoài nước. Việc tổ
chức Giải nhằm mục đích giới thiệu
đến bạn bè trong nước và quốc tế về
dãy núi Hoàng Liên Sơn có đỉnh Phan
Si Păng - nóc nhà Đông Dương, giới
thiệu về Khu du lịch Sa Pa và Vườn
Quốc gia Hoàng Liên - Vườn di sản
ASEAN.
Vietdiscovery(st)
Nguồn:Tổng cục du lịch |